Quần áo secondhand – hay còn có cái tên rất thân thương – “hàng thùng”, là một loại mặt hàng không còn xa lạ gì với người tiêu dùng Việt. Chúng dù không còn mới mẻ nhưng lại được lòng nhiều người vì hay có các mẫu mã đặc biệt, ít thấy và nhất là mức giá rẻ, có thể chỉ bằng ⅓, ¼ giá gốc.
Nguồn gốc các loại quần áo này ban đầu là từ các tổ chức việc trợ người nghèo. Tại Việt Nam, chúng thường được nhập về từ Campuchia và được đóng thành thùng, kiện lẫn lộn với nhau, không phân biệt từng chiếc. Đây cũng là lý do mà người ta lại gọi nó là “hàng thùng”.
Bây giờ, cái tên hàng thùng vẫn còn, nhưng nguồn gốc các loại quần án này không phải chỉ từ các nước khác. Chúng có thể là từ những người dùng khác bán lại, đem quyên góp và thậm chí là… đồ ăn trộm nữa.
Cũng chính vì sự “tạp pín lù” này nên cũng có rất nhiều vấn đề cần quan tâm khi mua hàng secondhand. Mời bạn đọc tham khảo qua những lưu ý dưới đây để có thêm những kinh nghiệm quý báu trong quá trình “săn hàng”.
1. Kiểm tra chất lượng và màu sắc vải
Hàng cũ thì cũng có rất nhiều loại với chất liệu khác nhau. Bạn cần phải xem xét thật kĩ càng xem liệu vải có còn tốt không, có bị xờn, nhăn nhiều không. Đặc biệt, bạn cần lộn trái quần áo để xem cả lớp vải bên trong vì đây là phần tiếp xúc trực tiếp với da khi mặc.
Nếu thấy món đồ nào đó có vết bẩn, vết ố lớn, nhìn rõ thì tốt nhất hãy tránh xa vì thường là chúng đã trở nên quá khó để tẩy rửa. Ngoài ra, vì một số cửa hàng hay sử dụng ánh đèn vàng nên bạn cũng cần phải kiểm tra cả màu sắc của quần áo xem có đúng không bằng cách đưa ra ánh sáng ngoài trời hoặc dùng đèn pin điện thoại soi nữa.
2. Xử lý vệ sinh
Lưu ý tiếp theo là về vệ sinh. Thường thì bạn sẽ không thể nhìn thấy sự “bẩn” của quần áo bằng mắt thường. Những món đồ này vốn đã không mấy sạch sẽ và có thể chính là một ổ vi khuẩn dễ khiến bạn mắc bệnh, nhất là da liễu. Một số loại hàng thùng có thể đã được xử lý bằng hóa chất để sạch hơn, nhưng chính lớp hóa chất này cũng sẽ gây nhiều vấn đề nếu bạn có một làn da nhạy cảm.
Vậy nên, tốt nhất đừng thử đồ trực tiếp lên người. Hãy mặc sẵn một lớp quần áo lót kín bên trong trước khi thử đồ và phải giặt thật sạch ngay sau khi mua về. Ngoài ra, bạn cũng nên đun một nồi nước cho sôi, thêm muối và nhúng quần áo vào chần qua để diệt hết vi khuẩn.
Một gợi ý nữa là dùng bàn là hơi nước là thêm một lượt sau khi giặt. Điều này sẽ làm quần áo vừa sạch sẽ mà vừa giúp chúng trông mới hơn.
3. Tránh xa đồ lót và đồ bơi cũ
Cũng vì lý do vệ sinh, bạn đừng bao giờ mua các loại đồ lót và đồ bơi hàng secondhand. Những miếng đệm lót có trong áo bơi, áo ngực chính là những ổ vi khuẩn mà khó có thể tiêu diệt bằng những cách thông thường. Khi tiếp xúc trực tiếp tới những phần nhạy cảm nhất trên cơ thể, chúng có thể làm bạn mắc bệnh.
4. Đi mua cùng bạn bè và “ôm” càng nhiều càng tốt
Chọn đồ secondhand đôi khi cũng giống như một “cuộc chiến”. Sẽ có rất nhiều người khác tới thử đồ cùng bạn và thường thì người ta có thể sẽ không được lịch sự được như ở các shop quần áo bình thường. Lời khuyên là nên rủ thêm một “chiến hữu” để “ôm” thật nhiều món đồ mà trông có vẻ sẽ ưng ý, sau đó mới chuyển qua khâu lựa chọn kĩ càng hơn.
Một người bạn tốt cũng có thể đóng vai trò là chiếc gương, tư vấn viên và bảo vệ đồ đạc trong lúc bạn đang đắm chìm trong đống đồ. Hơn nữa, làm gì thì làm, có thêm “chiến hữu” lúc nào cũng vui hơn hẳn là đi một mình.
5. Lựa chọn địa chỉ đồ cũ phù hợp
Không phải cửa hàng nào cũng sẽ có đồ cũ hợp ý bạn. Tốt nhất, hãy lên mạng tìm kiếm thông tin trước và thường xuyên theo dõi fanpage để cập nhật những đợt sale, “đập thùng” mới. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá tin vào những hình ảnh “lung linh” trên mạng. Quảng cáo mà, lúc nào người ta cũng sẽ làm cho nó đẹp hơn ngoài đời.